Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

HUẤN LUYỆN CHÓ (Nâng cao)


1. DẠY CHÓ SỦA
Dạy chó sủa được áp dụng trong những trường hợp khi làm nhiệm vụ canh gác, khi phát hiện thấy những vật nặng, vật treo trên cao hoặc thấy có người chạy trốn vào những chỗ khuất (khi khám xét hiện trường, khám nhà và khi tìm dấu vết).
Những kích thích có điều kiện: ra lệnh "sủa" và làm hiệu bằng cách vẫy tay phải, trước hết đưa tay nghiêng lên tầm vai, lòng bàn tay hướng về phía trước và gập cổ tay lại để lòng bàn tay hướng về phía mình. Đôi khi ra hiệu bằng cách bật bật các ngón tay cho phát ra tiếng kêu.
Những kích thích không điều kiện: cho ăn mồi, vật để dánh hơi, người giúp việc
. Có thể gọi chó cắn, trên cơ sở phản ứng thức ăn, phản ứng định phương hướng và phản ứng tự vệ bị động. Dạy chó sủa đúng theo tín hiệu của người huấn luyện viên được bắt đầu sau khi đã dạy chó các phản xạ có điều kiện khác cho các động tác ngồi, nằm và đánh hơi.
PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ THUẬT HUẤN LUYỆN
Khi luyện thói quen dạy chó sủa, thông thường luỵên tập những phản xạ có điều kiện ban đầu, đồng thời với mệnh lệnh và với cử chỉ. Cần nhớ rằng, thường thường chó sủa ở tình trạng kích thích chúng. Sự kích thích chung này có thể do chính những kích thích khác nhau gây ra. Có thể gọi chó cắn như:
- Thức ăn (thưởng mồi)
- Người giúp việc
- Vật để đánh hơi và những kích thích khác
Việc áp dụng phương pháp tập này hay phương pháp tập kia, tuỳ thuộc vào những kích thích nào làm cho chó có phản ứng và bị kích thích mạnh nhất. Khi chó đang ngồi trước mặt người, huấn luyện viên thả dây dắt xuống đất và bước chân tới gần như thế nào để có thể không cho chó nhảy vọt lên. Sau đó, tay cầm miếng thịt và vẫy vẫy trước mặt nó, kích thích nó cho đến khi cất lên tiếng sủa và đồng thời ra lệnh "sủa". Lúc đầu, chó định vồ lấy miếng thịt một cách tự nhiên, nhưng vì không với tới, bị tiếp tục kích thích và chó lại cất tiếng sủa. Khi chó vừa mới sủa, phải thưởng mồi cho chó và vuốt ve nó. Phương pháp này đạt kết quả tốt khi có quan hệ tốt giữa người huấn luyện viên và chó, đặc biệt là khi dạy những con chó hay có phản ứng với thức ăn. Để dạy cho chó có phản xạ có điều kiện với thức ăn, có thể áp dụng trong quá trình nuôi chó, khi mang khay thức ăn đến, người huấn luyện viên đặt khay như thế nào đó để chó không thể lấy được thức ăn, chó bị kích thích và bắt đầu nhảy cẫng lên, rít lên sặc sụa, vào lúc này người huấn luyện viên ra lệnh "sủa", và khi chó vừa mới sủa hăng thì cho chó ăn, đồng thời ra lệnh "tốt", "sủa", "tốt" với giọng âu yếm. Dạy chó sủa người giúp việc. Chó được buộc hoặc được giữ bằng dây dắt. Người giúp việc từ từ tiến đến gần chó, bằng dáng đi của mình gây cho chó có kích thích kèm theo tiếng sủa. Vào lúc này, người huấn luyện viên ra lệnh "sủa" và khi chó sủa phải kịp thời động viên nó bằng cách thưởng mồi và khen ngợi "tốt". Sau đó chỉ gọi cho chó sủa bằng mệnh lệnh và bằng cử chỉ. Gọi chó cắn vật. Nhiều con chó hay thích đớp. Phản xạ có điều kiện có thể được luyện bằng cách kích thích chó bằng vật. Người huấn luyện viên làm động tác kích thích chó bằng cách cầm một vật ở tầm cao mà chó không thể với tới được. Khi chó cố muốn với lấy vật trên cao lại bị kích thích và bắt đầu sủa. Đúng lúc đó, người huấn luyện viên dùng vật có sẵn trong tay để trên chó và ra lệnh "sủa". Chó vừa cất tiếng sủa, người huấn luyện viên đưa vật đó cho chó và động viên nó. Sau đó thu lấy vật và cho chó ăn mồi.
Khi mới bắt đầu tập động tác dạy chó sủa thì nhất thiết người huấn luyện viên phải cho chó ăn mồi, kể cả khi chó định cất tiếng sủa. Khi chó đã tập quen được phản xạ có điều kiện với mệnh lệnh và với cử chỉ của người thì lúc đó ít thưởng mồi, mà chó được động viên bằng lời "tốt" và bằng cách vuốt ve nó.
Khi chó đã quen phản xạ có điều kiện cất tiếng sủa với mệnh lệnh và cử chỉ làm hiệu, cần chuyển sang tập những động tác bổ trợ phản xạ có điều kiện với mệnh lệnh và với cử chỉ làm hiệu cho đến khi có thói quen trong điều kiện phức tạp vừa phải, trong toàn bộ với các vật huấn luyện chung khác. Để thực hiện mục tiêu đó cần:
- Tăng cự ly giữa người huấn luyện viên và chó
- Cho chó sủa khi chó ở tư thế khác nhau
- Tiếp tục tập cho thói quen với mệnh lệnh và với cử chỉ làm hiệu theo yêu cầu riêng biệt nhau
Động tác đi cách xa chó và gọi chó sủa từ những tư thế khác nhau (nằm, ngồi, đứng) được luyện tập với toàn bộ phàn huấn luyện đặc biệt. Đó là một vấn đề rất cần thiết để chó cho người huấn luyện viên biết được việc phát hiện ra người, vật treo và ngay cả trong những trường hợp khi người huấn luyện viên không nhìn thấy chó, không nhìn thấy người. Luyện thói quen cất tiếng sủa trong những trường hợp như thế, được tiến hành như sau:
Khi khám xét hiện trường, khi tìm dấu vết của người giúp việc để lại theo chỉ thị của người huấn luyện viên ở trên bãi tập, khi thấy vật nặng hoặc treo mà chó không thể nhảy lên tới hoặc không thể mang đi được. Khi chó phát hiện ra vật nặng hoặc vật treo, người huấn luyện viên ra lệnh hoặc làm hiệu gọi chó sủa. Người giúp việc lần lượt ẩn trốn ở những chỗ chó không thể đến được (trên cây, trên những vật cao). Khi phát hiện ra người giúp việc ẩn trốn, người huấn luyện viên gọi chó sủa theo mệnh lệnh hoặc cử chỉ làm hiệu. Nếu chó không cất tiếng sủa thì người giúp việc dùng những động tác của mình làm kích thích chó cho đến khi chó lên tiếng sủa. Khi tập lại những động tác như thế, gây cho chó thói quen tự cất tiếng sủa khi thấy vật nặng hoặc vật treo và người giúp việc ẩn trốn. Người huấn luyện viên phải nhớ rằng tập thường xuyên và có hệ thống bằng phương pháp dùng vật treo hoặc có người ẩn trốn trên cây sẽ gây cho chó thói quen chỉ làm việc bằng mắt, và nó bắt đầu làm việc bằng đánh hơi trên cao. Nếu theo mệnh lệnh lần thứ nhất hoặc theo cử chỉ của người huấn luyện viên ra hiệu mà chó cất tiếng sủa lớn và tự sủa khi phát hiện ra vật hoặc người ở những chỗ chó không đến được thì coi như chó đã có thói quen với phản xạ này.
NHỮNG SAI SÓT CÓ THỂ CÓ Ở NGƯỜI HUẤN LUYỆN
1. Làm cho chó ham gọi sủa, do đó chó quen sủa trong tất cả mọi trường hợp bị kích thích mạnh. Chính vì lẽ đó mà chó có thể làm lộ chỗ cần phải nguỵ trang khi làm nhiệm vụ.
2. Dạy chó sủa khi chó chỉ đứng trong một phòng, do đó mà nó không cất tiếng sủa khi nó ở trong phòng khác
3. Dạy chó sủa bằng cách giật mạnh dây dắt hoặc đánh bằng roi, làm như vậy chó trở lên nhút nhát.
2. NGĂN CHẶN CHÓ HÀNH ĐỘNG KHÔNG HỢP Ý
Trong khi huấn luyện và đưa chó đi làm nhiệm vụ, do ảnh hưởng của những kích thích có thể có, chó có thể gây ra những hành động khác nhau làm trái ý người huấn luyện viên như: muốn đuổi theo con vật đang chạy trốn, cất tiếng sủa khi đang làm nhiệm vụ…
Để có thể ngăn chặn một cách triệt để những hành động tương tự của chó, cần phải tập cho chó phản xạ có điều kiện ngừng ngay tức khắc những hành động trái ý, theo tín hiệu đầu tiên của người huấn luyện viên
. Kích thích có điều kiện mệnh lệnh "thôi" với giọng đe doạ
Kích thích không điều kiện: giật mạnh dây dắt tác động lên vòng đeo cổ, đánh bằng roi
. Do tác động của những kích thích của người huấn luyện viên gây ra, những phản ứng không hợp ý xảy ra khi gặp kích thích bên ngoài đối với chó, phải được chấm dứt ngay. Vì vậy, thói quen này được luyện khi phản ứng tự vệ và bị động. Chỉ có thể bắt đầu dạy chó ngừng những hành động trái ý, sau khi đã có được quan hệ tốt giữa người huấn luyện viên với chó.
PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ THUẬT HUẤN LUYỆN
Trước tiên, phải dạy cho chó phản xạ có điều kiện với mệnh lệnh "phu", với số lượng kích thích làm lạc hướng không nhiều.
Muốn thế, người huấn luyện viên phải chọn bãi tập có những kích thích mà chó hay phản ứng với kích thích đó. Giữ chó bằng dây dắt dài, cho chó ở trạng thái tự do và cho tiến gần đến những kích thích đó theo dõi hành vi của chó. Khi chó định xông vào những kích thích làm lạc hướng, người huấn luyện viên ra lệnh "phu" với giọng đe doạ và giật mạnh dây dắt. Sức mạnh của những kích thích được sử dụng phải phù hợp với những đặc điểm của chó.
Khi chó vừa mới ngừng những hành động trái ý, người huấn luyện viên phải kịp thời động viên nó bằng cách thưởng mồi và tiếp tục đi dạo chơi. Mỗi lần tập, động tác tập được làm đi làm lại 2-3 lần. Nên kết hợp tập động tác ngừng những hành động không hợp ý với tập các động tác khác. Tuỳ theo mức độ tạo ra được phản xạ có điều kiện với mệnh lệnh "phu" mà bài tập được tiến hành trong những điều kiện phức tạp hơn, khi chó những kích thích làm lạc hướng khác nhau (gần đường xe chạy, ở ngoại vi vùng đông dân cư, nơi có mùi thức ăn…)
Thời kỳ này, khi luyện tập phải dùng dây dắt dài. Chỉ sau khi chó đã quen với mệnh lệnh ngừng ngay những hành động trái ý "phu", khi đó cho mang dây dắt dài, mới có thể chuyển sang luyện chó động tác này mà không có dây dắt.
Khi dạy những chó có phản ứng kém với động tác giật dây dắt, nên dùng vòng đeo cổ kiểu chật. Nếu chó không bị lạc hướng bởi những kích thích lạ và ngừng ngay những hành động trái ý theo mệnh lệnh lần thứ nhất của người huấn luyện viên, thì thói quen đó của chó coi như đã được hoàn thiện.
NHỮNG SAI SÓT CÓ THỂ CÓ Ở NGƯỜI HUẤN LUYỆN
1. Rất, thường hay cho tập mệnh lệnh "phu" bằng những kích thích đau đớn nhất (dùng vòng đeo cổ kiểu rất chật, dùng roi đánh), gây cho chó tình trạng trì hoãn chung và bị ức chế.
2. Thường hay dùng mệnh lệnh "phu" không tăng cường thêm bằng những kích thích không có điều kiện, như vậy là làm giảm hiệu lực của mệnh lệnh này đối với chó (mệnh lệnh "phu" lúc đó trở thành tín hiệu âm thanh bình thường đối với chó).
3. Không biết dùng mệnh lệnh "phu" và dùng mệnh lệnh đó thay cho mệnh lệnh chủ yếu nào đó với giọng đe doạ.
3. DẠY CHÓ VƯỢT CHƯỚNG NGẠI VẬT
Tập vượt chướng ngại vật sẽ giúp cho chó phát triển thể lực, tăng thêm tính thông minh, lòng dũng cảm và phối hợp hành động. Thói quen vượt chướng ngại vật là rất cần thiết để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những kích thích có điều kiện: mệnh lệnh "tiến" và động tác vẫy tay phải về hướng có chướng ngại vật. Những kích thích không điều kiện: thưởng mồi cho chó, kéo căng dây dắt và những động tác khác của người huấn luyện viên. Để bắt chó vượt chướng ngại vật, người ta sử dụng những phản ứng cơ bản vốn có ở chó, đó là phản ứng tự vệ bị động và phản ứng thức ăn. Dạy chó vượt chướng ngại vật phải tuân thủ đúng những điều kiện và những quy tắc sau: Dạy trên bãi tập đặc biệt có bố trí những chướng ngại vật khác nhau (như rào chắn, thang, hào, hố, cầu thăng bằng). Sau đó nên sử dụng những hàng rào các kiểu, tường chắn, hào (rãnh) thường gặp trong quá trình luyện tập trên sân bãi để làm chướng ngại vật. Phải bắt đầu tập từ những động tác dễ nhất. Ví dụ, bắt đầu phải dạy chó vượt chướng ngại vật (rào chắn) không cao (đến 60-70cm), vượt rào hẹp (đến 1m) và tiếp tục tăng thêm điều kiện luyện tập có chú ý đến tình trạng sức khoẻ và mức độ huấn luyện của chó. Để tránh gặp phải những trường hợp bất trắc, nên thường xuyên cho chó vượt chướng ngại vật từ những hướng khác nhau. Trước mỗi chướng ngại vật và sau khi vượt qua chướng ngại vật đó, chó phải tự ngồi xuống và đợi lệnh của người huấn luyện viên. Đó là điều rất cần thiết để hoàn chỉnh tốt nhiệm vụ. Khi vượt chướng ngại vật không được để chó bị tổn thương (vấp đau). Sau mỗi lần vượt chướng ngại vật xong phải động viên chó. Những bài tập có liên quan đến động tác nhảy, không lên cho chó tập ngay sau khi chó vừa ăn. Những ngày đầu dạy chó vượt một chướng ngại vật bất kỳ nào để cần phải bắt đầu từ cho chó làm quen với chướng ngại vật bằng cách cho chó đi dạo chơi sát đó.
PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ THUẬT HUẤN LUYỆN
Để huấn luyện cho chó động tác vượt chướng ngại vật kiểu này, người ta làm tường chắn giả chắc chắn và ổn định, có chiều cao giới hạn là 2m, chiều rộng là 2,5m. Phần đất ở cả hai phía chân tường giả này phải được xới tơi. Vấn đề làm tường giả phải tháo dời được để có thể mang đi lưu động. Những động tác đầu tiên phải được tập với tốc độ cao của tường giả không quá 60-70cm. Có thể tập phản xạ có điều kiện bằng một số phương pháp sau:
Phương pháp thứ nhất: Người huấn luyện viên cùng với chó nhảy qua tường giả. khi đứng cách xa chướng ngại vật 5-6m, tay trái người huấn luyện viên dắt chó bằng dây dắt ngắn. Sau đó chạy đến gần chướng ngại vật và nhảy vọt lên, đồng thời kéo chó nhảy theo. Trong khi đang nhảy, ra lệnh "tiến". Khi chó vừa mới vượt qua chướng ngại vật phải kịp thời động viên thưởng mồi cho chó.
Động tác này được tập đi tập lại nhiều lần. Sau đó, người huấn luyện viên không nhảy cùng với chó mà chạy đến gần chướng ngại vật và ra lệnh "tiến", bắt chó tự nhảy qua. Người huấn luyện viên nhanh chóng vượt sang phía bên kia chướng ngại vật và động viên chó.
Phương pháp thứ hai: Người huấn luyện viên dắt cho bằng dây dắt dài, đưa chó tiến đến gần chướng ngại vật còn khoảng cách 2-3m, ném đầu dây dắt qua phía bên kia và bước qua theo dây dắt. Sau đó gọi chó "lại đây", dùng dây dắt kéo cho chó vượt qua. Lúc chó đang nhảy hô "tiến", và sau đó thưởng mồi cho chó, cho chó đi dạo chơi. Hai phương pháp vừa trình bày trên đây là những phương pháp chủ yếu và phổ biến nhất. Nếu không có điều kiện dạy chó vượt qua chướng ngại vật bằng những phương pháp này thì có thể áp dụng các phương pháp khác.
Phương pháp thứ ba: Xua chó hãy ra ngoạm vật, nhảy qua chướng ngại vật, đuổi theo vật gì đó do người ném đi ở hướng phía trước mặt chó. Lúc chó nhảy, ra lệnh "tiến". Phương pháp thứ tư: Bắt những con chó đã quen nhảy giỏi lần lượt nhảy qua chướng ngại vật. Thả cho cần dạy nhảy theo những con đã biết nhảy. Đôi khi phương pháp này đạt kết quả tốt. Nếu khi nghe lệnh "tiến", chó tự nhảy một cách mạnh dạn qua chướng ngại vật, thì khi đó có thể bổ sung thêm những điều kiện huấn luyện sau:
- Tăng dần chiều cao của chướng ngại vật
- Luyện giữ chó trước khi nhảy
- Dạy chó nhảy qua chướng ngại vật khác nhau: bụi rậm, bằng rào gỗ…
Cứ sau 3-4 lần tập nhảy, phải tăng chiều cao của chướng ngại vật lên 10-15cm. Khi tăng chiều cao của chướng ngại vật, một số chó sợ không dám nhảy. Trong trường hợp này, người huấn luyện viên phải giúp chó khi chó đang nhảy. Lúc chó chưa nhảy tới chướng ngại vật, người huấn luyện viên đỡ cho chó trước vào mép trên của chướng ngại vật. Cũng đúng lúc đó, người huấn luyện viên hô "tiến". Dùng dây dắt để thúc chó nhảy phải biết cách, không làm cho chó bị đau vì nếu bị đau, chó sẽ từ chối không chịu nhảy nữa. Mỗi khi chó nhảy đạt được yêu cầu, người huấn luỵên viên phải kịp thời nhảy theo sang qua chướng ngại vật thì phải giảm tốc độ cao đó xuống. Nếu chó bị đau hoặc bị mệt quá do tập nhiều thì không nên cho chó tiếp tục vượt chướng ngại vật nữa, mà phải cho nó nghỉ. Khi chó đã quen nhảy thạo qua chướng ngại vật, cần luyện động tác giữ cho chó trước và sau khi nhảy. Để tập động tác này, khi chó chó ngồi cách chướng ngại vật khoảng 3-4m, người huấn luyện viên đứng cách chó một bước ở bên phải và phía trước, đồng thời ra lệnh "ngồi". Khi chó định nhảy qua chướng ngại vật, người huấn luyện viên lại nhắc lại mệnh lệnh 'ngồi" và giật dây dắt. Sau khi giữ chó không lâu, khoảng 10-15 giây, người huấn luyện viên ra lệnh hoặc làm hiệu cho chó vượt qua chướng ngại vật. Không nên cho chó tập nhảy qua những chướng ngại vật cao quá 2m, vì trong hoàn cảnh thực tế chó rất ít gặp những trường hợp như thế. Không nên cho chó tập nhảy ở khoảng cách quá gần (dưới 3-4m), vì không lấy đà chó có thể không nhảy qua được chướng ngại vật. Những trường hợp như thế làm cho chó sợ chướng ngại vật và từ chối không chịu nhảy.
Tuỳ theo mức độ tăng chiều cao của chướng ngại vật mà chuyển sang dạy chó động tác nhảy không có dây dắt. Khi vượt chướng ngại vật cao, chó đeo dây dắt có thể sẽ bị vướng và làm chó đau.
Ở giai đoạn cuối của thời kỳ luyện tập động tác này, song song với việc tăng cường thói quen cho chó vượt chướng ngại vật tiêu chuẩn, cần luyện cho chó vượt tốt những chướng ngại vật tự nhiên khác nhau khi làm nhiệm vụ khám xét hiện trường và tìm dấu vết. Nếu theo mệnh lệnh lần đầu hoặc cử chỉ làm hiệu, chó vượt qua các chướng ngại vật khác nhau có chiều cao đến 2m một cách thành thạo, lúc đó là chó đã có thói quen vượt chướng ngại vật.
NHỮNG SAI SÓT CÓ THỂ CÓ Ở NGƯỜI HUẤN LUYỆN
1. Tăng chiều cao của chướng ngại vật không tính đến khả năng của thể lực và mức độ được huấn luyện của chó, làm cho chó từ chối không chịu vượt qua chướng ngại vật.
2. Thường hay tập những động tác vượt chướng ngại vật gây cho chó bị mệt mỏi và từ chối không chịu vượt qua chướng ngại vật nữa.
3. Cho chó vượt chướng ngại vật chỉ từ một phía và theo trình tự giống nhau.
DẠY CHÓ LEO CẦU THANG
Dạy chó leo cầu thang được tập song song với các động tác vượt các chướng ngại vật khác nhau. Cầu thang dùng để huấn luyện chó, có các kiểu kết cấu khác nhau:
1. Đối với chó nhỏ: dùng loại cầu thang có bậc rộng, phẳng, không cao.
2. Cầu thang hỗn hợp là hai cầu thang có bậc khác nhau về chiều rộng, được đặt nghiêng dưới một góc khác nhau so với chân cầu thang.
Tuỳ theo đặc điểm riêng của chó mà người ta dạy chó leo cầu thang bằng những phương pháp khác nhau. Phương pháp phổ biến nhất là người dạy cùng đi với chó trên cầu thang. Mới bắt đầu phải cho chó tập trên những cầu thang thoải có bậc rộng. Người huấn luyện viên cho chó đi dạo chơi dọc cầu thang. Sau đó dắt chó đi bên cạnh bằng dây dắt ngắn, đến gần cầu thang và giữ chó cẩn thận bằng dây dắt, bước lên cầu thang đồng thời ra lệnh "tiến". Khi đến bệ cầu thang, cho chó ăn mồi để động viên nó. Dắt chó đi xuống cầu thang khó hơn khi đi lên, vì vậy người huấn luyện viên phải đi trước chó một bước và chú ý theo dõi để chó không sợ. Người huấn luyện viên giữ chó bằng dây dắt và ra lệnh "chậm thôi", khi chó bước chậm phải kịp thời động viên chó bằng giọng nói nhẹ nhàng "chậm thôi", "tốt' và thưởng cho chó mồi. Nếu chó không chịu leo cầu thang, có thể dạy chó bằng một trong những phương pháp sau đây:
1. Dùng vật mà chó hay ưa ngoạm để kích thích sơ bộ chó, sau đó tung vật đó lên bệ ở đầu cầu thang và thúc chó đi theo.
2. Trên bậc cầu thang có đặt những miếng thịt hoặc đặt đĩa đựng thức ăn trên bệ ở đầu cầu thang, sau đó cho chó đi lên cầu thang. Những ngày đầu mới tập phải có người huấn luyện viên đi cùng với chó. Khi chó đã quen đi cùng với người huấn luyện viên lên cầu thang rồi, thì tăng thêm điều kiện luyện tập. Bắt đầu dạy chó đi lên cầu thang không cùng với người. Khi mới bắt đầu dạy chó tự leo cầu thang một mình thì người huấn luyện viên phải đi lên trước, nếu thấy chó cũng đi lên theo thì dừng lại và ra lệnh cho chó đi tiếp. Sau đó, người huấn luyện viên để chó đứng cùng với mình ở trước cầu thang, cách 1-2m, tay kéo dây dắt và đồng thời bước đi, quay sang bên trái và sau khi giữ chó không lâu ra lệnh "tiến", tay ra hiệu cho chó đi lên cầu thang. Khi chó vừa mới lên tới bệ cầu thang, người huấn luyện viên quay trở lại đi xuống và ra lệnh cho chó "lại đây" hoặc vẫy tay gọi chó. Nếu chó lao xuống nhanh, phải ra lệnh "chậm thôi". Tiếp sau đó, tuỳ theo mức độ luyện thói quen, người huấn luyện viên để chó ở trên bệ cầu thang và ra lệnh "ngồi", "nằm", "đứng"… dạy chó vượt những cầu thang phức tạp hơn (bậc hẹp, tròn đặt ở những góc độ khác nhau). Tiếp tục huấn luyện hoàn thiện thói quen cho đến khi thực hiện đúng nhiệm vụ trong khi tìm dấu vết ở những nơi đông dân, khi khám nhà (đặc biệt là chó béc giê). Khi gặp loại cầu thang có kiểu kết cấu khác thường làm chó khó leo thì người huấn luyện viên phải giúp chó. Thói quen leo cầu thang được coi là đã thành thạo, nếu theo tín hiệu của người huấn luyện viên, chó mạnh dạ leo lên cầu thang, đồng thời thực hiện đúng các mệnh lệnh "ngồi", "nằm", "đứng", "cắn" khi ở trên bệ ở đầu cầu thang và khi đi xuống, chó không biết sợ.
NHỮNG SAI SÓT CÓ THỂ CÓ Ở NGƯỜI HUẤN LUYỆN
1. Khi chó tự leo cầu thang một mình vẫn để dây dắt ở cổ chó, vì vậy dây dắt sẽ mắc vào vật khác làm chó đau hoặc bị ngã
2. Không được bắt chó leo cầu thang hoàn toàn dựng đứng, chó có thể bị ngã3. Không được cho chó nhảy từ trên bậc cao của cầu thang xuống đất.
DẠY CHÓ ĐI CẦU THĂNG BẰNG
Dạy chó đi cầu thăng bằng được tiến hành song song với dạy chó vượt các chướng ngại vật. Công việc huấn luyện được bắt đầu trên cầu tập. Cầu thăng bằng là một khúc gỗ tròn có chiều dài 5-6m, đặt trên hai cột chôn xuống đất, có chiều cao đến 1m. Ở hai đầu có hai dốc thoải. Đối với những động tác mới bắt đầu tập phải dùng loại cầu có mặt phẳng. Khi cho chó đi dạo chơi dọc theo cầu trượt, người huấn luyện viên dắt chó bằng dây dắt ngắn và tay trái tiếp cận với cầu. Sau đó, tay phải cầm dây dẳt, dắt chó đi lên cầu. Khi chó bắt đầu bước lên cầu, ra lệnh "tiến".
Thường hay gặp trường hợp, thời gian mới bắt đầu tập, chó vừa mới leo lên được phần dốc thoải đã định nhảy xuống. Trong trường hợp này, người huấn luyện viên phải dùng tay phải cầm dây dắt quay vòng đeo cổ xuống phía dưới, cìn tay trái đỡ lấy bụng chó và dẫn chó sang tận đầu cầu bên kia, đồng thời ra lệnh "tiến", "tốt". Trong khi đi trên cầu, nên chó chó ăn mồi. Sau khi cho chó đi qua cầy lại thưởng mồi và cho chó ở trạng thái tự do. Sau đó, người huấn luyện viên giảm dần phần giúp chó vượt cầu, mà nên để cho chó tự lực nhiều hơn.
Khi chó bắt đầu tự lực và mạnh dạn đi trên cầu được rồi thì có thể tăng cường thêm mức độ phức tạp của động tác tập. Cho chó tập những động tác vượt hào, sông nhỏ (kênh), hố nước ván lật… Dạy chó thực hiện những động tác khác nhau trên cầu thăng bằng (ngồi, nằm), luyện giữ chó trước và sau khi đi cầu thăng bằng.
Nếu khi thấy mệnh lệnh ban đầu hoặc động tác làm hiệu, chó mạnh dạn và bình tĩnh vượt qua cầu thăng bằng các kiểu khác nhau, thì coi như chó đã thành thạo với động tác này.
NHỮNG SAI SÓT CÓ THỂ CÓ Ở NGƯỜI HUẤN LUYỆN
1. Giật dây dắt làm tăng phản ứng tự vệ bị động của chó
2. Làm giảm đột ngột nhịp đi nhanh của chó khi đang ở trên cầu thăng bằng, do đó chó có thể bị mất thăng bằng và nhảy trước dự định.
4. DẠY CHÓ BƠI 
Khi đi làm nhiệm vụ, đặc biệt là khi tìm dấu vết, thường phải vượt qua chướng ngại vật nước, vì vậy chó nghiệp vụ cần phải được huấn luyện vượt sông, hồ… theo tín hiệu của người huấn luyện viên. Những kích thích có điều kiện: Mệnh lệnh "tiến" và động tác làm hiệu - vẫy tay phải theo hướng đi. Những kích thích không điều kiện làm kích thích chó bước xuống nước bơi gồm: cho chó ăn mồi, cho vật ngoạm, nhiệt độ không khí cao (trời nóng) và người huấn luyện viên dắt chó xuống nước một cách thận trọng (không cưỡng bức). Tập thói quen bơi trên cơ sở phản xạ không điều kiện - khả năng giữ chó ở dưới nước và bơi. Song không phải bất cứ chó nào cũng tự động lội xuống nước và biết bơi đúng. Vì vậy, nhiệm vụ của người huấn luyện viên là ở chỗ, khi tác động bằng những kích thích nhất định, kích thích (bắt chó) lội xuống nước, dạy chó bơi theo tín hiệu trên hướng đã vạch ra và tập cho chó bơi êm, không phát ra tiếng động, không quẫy mạnh hai chân trước trong nước. Dạy chó bơi phải được bắt đầu sau khi đã dạy cho nó thói quen với kỷ luật chung, về mùa hè, vào những ngày ấm áp.
PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ THUẬT HUẤN LUYỆN
Trước hết, phải dạy chó không sợ nước, mạnh dạn lội xuống nước, ngâm trong nước một cách thoải mái. Đối với những buổi tập ban đầu, nên chọn hồ (ao) có bờ thoải và sâu dần. Vào những ngày trời nóng, dạy chó bơi dễ hơn, chó thích lội xuống nước hơn.
Có thể dạy chó bơi bằng một vài phương pháp:
Phương pháp thứ nhất: Đối với những chó hay ưa ngoạm, thì dùng vật ngoạm để nhử nó xuống nước. Cách làm như sau: Người huấn luyện viên ném một vật xuống nước, hướng mặt chó và cách bờ không xa, sau đó xua chó lội xuống bắt lấy vật đó bằng mệnh lệnh "ngoạm", khi chó mạnh dạn lội xuống nước và bơi một cách bình tĩnh thì lúc đó ném thê vật khác, và cứ như thế ném tiếp.
Khi mới bắt đầu tập, xua chó lội xuống nước ngay sau khi vừa ném vật xuống, về sau này có giữ chó lại không lâu.
Phương pháp thứ hai: Khi cho chó dạo chơi gần nước, người huấn luyện viên cho chó quen dần với nước. Nếu chó không chịu lội xuống nước theo người huấn luyện viên thì người huấn luyện viên đứng dưới nước cách bờ không xa gọi chó đến với mình bằng giọng mệnh lệnh 'lại đây" và đưa mồi ra nhử. Nếu chó vẫn không chịu lội xuống nước, người huấn luyện viên bế chó lên tay và đặt xuống nước cách bờ không xa, động viên và chấn tính bằng cách cho chó ăn mồi. Tiếp sau đó, khi chơi đùa với chó ở dưới nước, người huấn luyện viên nhử chó xa bờ dần. Khi chó lội đến chỗ sâu, để giữ chó nổi được trong nước, chó bắt đầu đập đập hai chân trước trong nước, người huấn luyện viên luồn tay vào bụng chó để đỡ nhẹ cho chó nổi và lúc đó lệnh "tiến". Sau hàng loạt những động tác kết hợp như thế, chó quen với nước và quen bơi đúng, không có tiếng động. Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được bắt chó xuống nước bằng cách cưỡng bức (ném xuống nước) vì làm thế chó sẽ sợ nước. Trong những buổi tập tiếp theo, tập cho chó ở dưới nước lâu hơn, bắt chó bơi ra cách bờ hoặc cho chó xuống nước nhiều lần có nghỉ giải lao không lâu, xen kết hợp tìm dấu vết được giả định trong khi vượt chướng ngại vật nước và cho chó bắt giữ người.
Nếu khi chó đã dám mạnh dạn lội xuống nước, ở lâu dưới nước và vượt qua những chướng ngại vật nước có khoảng cách (chiều rộng khác nhau) thì coi như chó đã thành thạo với động tác này.
NHỮNG SAI SÓT CÓ THỂ CÓ Ở NGƯỜI HUẤN LUYỆN
1. Ném chó xuống nước, làm cho chó sợ nước
2. Mới bắt đầu tập, cho chó tập ở chỗ nước sâu hoặc chỗ nước chảy xiết, đôi khi xảy ra những chuyện đáng tiếc.
5. DẠY CHÓ KHÔNG NHẬN THỨC ĂN, ĂN KHI NGƯỜI HUẤN LUYỆN VIÊN KHÔNG CHO PHÉP
Để đầu độc hoặc quyến chó đi, người lạ thường hay dùng kế để lại trên sân những thức ăn có tẩm độc (thịt, cá, giò chả…).
Để bảo vệ chó, cần phải tập cho chó có thói quen từ chối ăn thức ăn của người lạ cho hoặc ngẫu nhiên chó gặp.
Kích thích có điều kiện: mệnh lệnh "phu". Kích thích không điều kiện: giật dây dắt, đánh bằng roi, tác động bằng vòng đeo cổ kiểu chật và bằng dòng điện.
Dạy chó từ chối nhận thức ăn lạ phải được bắt đầu sau khi dạy chó có thói quen kỷ luật chung, trong đó có thói quen ngừng những hành động không vừa theo ý mệnh lệnh "phu". Thường thường nó là phần cuối cùng của khoá huấn luyện chó nghiệp vụ.
PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ THUẬT HUẤN LUYỆN
Trước hết, phải dạy chó ăn thức ăn người huấn luyện viên cho và khi được ăn sau khi đã được người đó cho phép. Bắt đầu tập ngay trong bữa ăn hàng ngày của chó ở trong trại nuôi. Người huấn luyện viên để đĩa thức ăn trước mặt chó. Khi chó định ăn thì ra lệnh cấm "phu" và giật dây dắt. Sau 20-30 giây cho phép chó ăn thức ăn bằng mệnh lệnh "ăn đi". Sau kết hợp nhiều lần (thường 5-6 ngày), chó được tạo nên phản xạ có điều kiện không ăn thức ăn khi người huấn luyện viên không cho phép. Giữ chó ngồi trước đĩa thức ăn đến một vài phút. Sau đó dạy chó không ăn thức ăn tìm thấy trên đất. Phương pháp tập như sau: Người huấn luyện viên có người giúp việc đi đặt những miếng thịt gần những chỗ dễ nhận ra nhất. Người huấn luyện viên đặt chó bằng dây dắt dài và khi cho chó đi dạo chơi, dẫn cho đến gần chỗ có đặt những miếng thịt sẵn. Trong khi đó phải chú ý theo dõi hành vi của chó. Nếu chó đi sát qua miếng thịt mà không để ý đến nó, thì người huấn luyện viên ra lệnh "đi chơi" và tiếp tục đi dạo chơi. Trong những ngày mới bắt đầu tập, nên dắt chó đi dạo chơi bằng dây dắt ngắn và không nên cho những con chó có phản ứng mạnh mẽ với thức ăn đi gần những miếng thịt đã đặt sẵn. Sau đó, điều kiện trở lên phức tạp hơn:
- Đặc điểm địa hình của sân bãi được thay đổi
- Để những miếng thịt nhỉ và ở những chỗ khuất khó nhìn thấy
- Khi chó đi dạo chơi chỉ dùng dây dắt dài
Khi tăng cường điều kiện luyện tập, cũng giống như những ngày đầu khi mới bắt đầu tập, cần chú ý theo dõi cử chỉ của chó, không để chó ăn no những thức ăn mà chó tìm được. Nếu khi đứng trên khoảng cách bằng dây dắt dài mà chó không ăn thức ăn thu được thì cũng như chó đã có thói quen không tự ý ăn thức ăn khi chưa có lệnh của người huấn luyện viên. Thói quen này của chó được tập lại trên bãi, như có vật những miếng thịt ở những chỗ mà người huấn luyện viên cũng không rõ. Sau đó, dạy chó không ăn thức ăn của người lạ khi có mặt và khi vắng mặt người huấn luyện viên. Thói quen từ chối không nhận thức ăn được huấn luyện trong toàn bộ sự phát triển tính hung dữ, phương pháp này sẽ làm cho chó không tin người lạ. Những động tác dạy chó không ăn thức ăn của người lạ được tiến hành như sau:
Trước hết, phải hướng dẫn người giúp việc (người đứng ở chỗ nào đó để có thể tiếp cận với chó và hành động được dễ dàng…)
Người huấn luyện viên buộc chó vào cột. Người giúp việc, một tay cầm miếng thịt, còn tay kia cầm roi giấu sau lưng, bình tĩnh và tất nhiên đi tới gần chó và đưa thức ăn cho nó. Khi chó định đớp miếng thịt, người huấn luyện viên ra lệnh "phác" đồng thời chỉ tay vào người giúp việc. Người giúp việc đánh khẽ chó và bỏ đi. Lúc đầu, người giúp việc mang theo thịt, sau đó khi bỏ đi thì vứt lại trước mặt chó. Người huấn luyện viên nên ra lệch "phác", "tốt", "phác" và động viên chó.
Nếu chó định đớp miếng thịt vừa ném xuống, người huấn luyện viên ra lệnh "phu" với giọng đe doạ và giật dây dắt. Nếu chó không có phản ứng với miếng thịt, người huấn luyện viên nhanh chóng chạy đến gần chó, động viên và thưởng mồi và cho đi dạo chơi. Khi dạy chó không ăn thức ăn của người lạ, phải dùng những loại thức ăn khác nhau, vì chó có thể chỉ quen khong ăn thức ăn có mùi nhất định nào đó, nhưng khi chó thức ăn có mùi khác thì chó lại ăn. Sau này, người giúp việc không tiến cận với chó mà chỉ đứng ở xa ném thức ăn lại rồi bỏ đi. Nếu chó định nhặt lại thức ăn, người huấn luyện viên ra lệnh "phu", sau đó "phác". Nên thả chó (không cần dắt). Nếu chó có phản ứng thức ăn, và nó không từ chối thức ăn như trong những trường hợp nói ở trên, có thể dùng máy phát điện (cái tự cảm) phát ra cường độ dòng điện không quá 0,5A và công suất không quá 16W. Cần chú ý dùng máy phát điện một cách rất thận trọng. Được sử dụng máy phát điện, phải có dòng lò đo đạc biệt kiên (dụng cụ để dạy chó). Chỉ có thể tiến hành dạy chó thói quen không nhận thức ăn của người lạ bằng phương pháp này dưới sự chỉ đạo của người hướng dẫn có kinh nghiệm.
Nếu khi vắng mặt người huấn luyện viên mà chó không ăn thức ăn của người lạ hoặc thức ăn tìm thấy ở dưới đất, coi như chó đã có thói quen không ăn thức ăn lạ.
NHỮNG SAI SÓT CÓ THỂ CÓ Ở NGƯỜI HUẤN LUYỆN
1. Tiến hành luyện tập chó chỉ ở trên một sân bãi và chỉ có một người giúp việc
2. Chỉ dùng một thức ăn, do đó chó chỉ quen không ăn một thứ thức ăn đó thôi, còn những thức ăn khác chó vẫn ăn
3. Cho phép chó ăn những thức ăn tìm thấy trên sân hoặc thức ăn do người giúp việc để lại, do đó chó không quen phân biệt rõ ràng.
4. Kết hợp không đúng những kích thích không điều kiện, do đó có thể gây chó phản ứng tự vệ bị động.
6. GIẢM NHỊP ĐI CỦA CHÓ
Giảm nhịp đi của chó thường gặp trong những trường hợp sau đây:
- Vượt những chướng ngại phức tạp
- Tìm dấu vết phức tạp, đặc biệt khi điều khiển cho không có dây dắt
- Đi công vụ cùng với chó
Giảm nhịp đi của chó có ý nghĩa rất quan trọng khi huấn luyện những chó điều tra (truy tìm). Chó có thói quen giảm nhịp đi theo mệnh lệnh “chậm thôi” sẽ cho phép người huấn luyện viên điều khiển chó đi tìm dấu vết. Khi đi chậm, chó dễ phân biệt dấu vết mùi vị tìm được, phát hiện những đồ vật để lại và tìm ra người gây dấu vết và mùi vị của đồ đạc được chính xác hơn. Kích thích có điều kiện - mệnh lệnh “chậm thôi”. Kích thích không điều kiện – kéo hoặc giật dây dắt.
PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ THUẬT HUẤN LUYỆN
Bắt đầu dạy chó thói quan giảm nhịp đi khi đã tạo cho chó phản xạ có điều kiện với mệnh lệnh “đi bên cạnh” và “tiến”. Theo mệnh lệnh “tiến”, người huấn luyện viên hướng chó đi theo đường mòn về phía trước mình bằng dây dắt ngăn và bắt đầu đi với nhịp nhanh, sau đó thay đổi tốc độ đi theo chù kỳ (chậm, nhanh): Chó bị nhầm, bước sai nhịp. Mỗi lần người huấn luyện viên sửa sai: ra lệnh “chậm thôi”, giật dây dắt. Nếu chó không giảm nhịp đi, thì nhắc lệnh mệnh lệnh với giọng đe dọa “chậm thôi” và củng cố mệnh lệnh bằng cách giật dây đắt một vài lần mạnh hơn. Nếu chó đi chậm lại thì động viên nó bằng giọng âu yếm “tốt”. Tăng dần điều kiện luyện tập. Luyện tâp trong trường hợp có những kích thích làm lạc hướng.
1- Giảm nhịp đi của chó khi đi trên cầu thang bằng và cầu thang: Phần lớn chó khi đi trên cầu thang bằng muốn đi thật nhanh hoặc nhảy ra khỏi cầu. Người huấn luyện viên ngăn chặn ý đồ của chó bằng mệnh lệnh “chậm thôi” và giật dây dắt.
2- Giảm nhịp đi của chó khi tìm dấu vết phải cho chó tập ở giai đoạn hai tập thói quen tìm người theo dấu vết. Lúc đầu cho chó tập tìm những dấu vết dễ thấy. Người huấn luyện viên thả chó theo dấu vết và chú ý theo dõi hành vi của nó. Nếu thấy chó đi nhanh, phải kịp thời ra lệnh “chậm thôi” và giật dây dắt. Khi chó vừa mới kịp giảm nhịp đi, người huấn luyện viên buông lỏng dây dắt và ra lệnh “tốt”, “chậm thôi”.
Động tác giảm nhịp đi của chó được tập đi tập lại một vài lần, đặc biệt là những chố có dấu vết có mùi không giữ được lâu hoặc bị nhiễm bởi những dấu vết. Không nên giảm nhịp đi của chó trong khi đang đi tìm dấu vết, vì làm như thế sẽ làm giảm sự hăng hái của chó khi làm nhiệm vụ (tìm dấu vết).
Nếu theo mệnh lệnh lần đầu “chậm thôi”, chó giảm nhịp đi trong khi tìm dấu vết cũng như trong các trường hợp khác, như vậy là chó đã có thói quen với động tác này.
NHỮNG SAI SÓT CÓ THỂ CÓ Ở NGƯỜI HUẤN LUYỆN
1- Giật dây dắt quá mạnh, đặc biệt là khi tìm dấu vết, làm như thế sẽ dẫn đến giảm phản xạ có điều kiện của chó khi tìm dấu vết.
2- Luôn luôn kéo căng dây dắt, hành động đó gây ra quan hệ không tốt đẹp đối với chó (chó đi tìm dấu vết có điều kiện) và không phân biệt rõ khi có mệnh lệnh “chậm thôi”.
7. DẠY CHÓ BÌNH TĨNH KHI NGHE THẤY SÚNG NỔ, THẤY CÁC KÍCH THÍCH KHÁC BẰNG ÂM THANH VÀ BẰNG ÁNH SÁNG
Có nhiều trường hợp, có nghiệp vụ phải làm việc trong điều kiện có những tiếng nổ, trên địa hình được chiếu sáng bằng tên lửa, đèn pha… Chó có thể được vận chuyển bằng ô tô, xuồng máy, máy bay và máy bay lên thẳng. Vì vậy, mỗi chó nghiệp vụ cần phải được huấn luyện cho quen, không biết sợ các loại kích thích không bình thường đối với chó. Tốt nhất nên bắt đầu dạy chó động tác này khi chó còn nhỏ. Song khi tổ chức và tiến hành huấn luyện chó đàn cần nhớ rằng chó có thể được phát triển và nuôi dưỡng trong những điều kiện khác nhau. Vì vậy, khi huấn luyện cần phải tuân thủ nguyên tắc trình tự nâng cao, điều kiện luyện tập, nguyên tắc đó được áp dụng đối với những chó trước đây chưa được dạy cho quen với tiếng nổ và với những kích thích khác. Người ta thường bắt đầu dạy chó làm quen với tiếng súng, tiếng nổ ở những chố chó ở và chỗ nuôi chó. Lúc đầu, cho phát ra những tiếng nổ (tiếng súng) ở cách xa nơi chó ở (200-300m). Nếu giữa lúc xảy ra tiếng nổ (tiếng súng) hoặc lúc chó khác có phản ứng tự vệ bị động, thì người huấn luyện viên phải trấn an chó bằng cách nô đùa với chó hoặc cho chó đi dạo chơi. Tùy theo mức độ chó quen phản ứng một cách bình tĩnh với tiếng nổ mà đưa chó đến gần hơn nữa.
Nếu gần chỗ chó ở có hồ hoặc trường bắn, trong thời gian có bắn tập nên cho chó đi dạo chơi khu vực gần đó, nhưng phải chấp hành các biện pháp an toàn.
Trong thời gian huấn luyện chúng cũng phải tập cho chó thói quen này. Ngoài ra người ta còn thường phải đưa bãi tập đến gần những nơi mà chó có thể sẽ gặp những kích thích khác nhau (ô tô, tàu hỏa, những tiếng ồn sản xuất..) Nếu tay chó phản ứng quá mạnh với những kích thích tương tự (sủa hoặc sợ hãi), cần phải trấn tĩnh chó, đánh lạc hướng bằng cách vui chơi vuốt veư chó và thưởng mồi cho chó.
Khi dạy chó thói quen bình tĩnh với những phản ứng ở địa điểm tương đối xa, thì trong quá trình luyện tập phải dần dần đưa chó đến gần nơi đó.
Trong trường hợp này, lúc đầu cho gây ra những tiếng nổ (bắn súng) ở cách xa, sau đó cho đưa gần dần đến chỗ bãi tập. Cũng có thể bắn súng trong khi chó đi đến bãi tập hoặc ngược lại.
Dạy nhưng chó sợ súng riêng biệt với đàn chó chính. Để huấn luyện cho chó có thói quen này, lúc đầu nên dùng những tiếng động sột soạt, sau đó chuyển sang bắn bằng súng hiệu suất phát (dùng trong thi đấu thể thao) và chỉ sau đó mới bắn bằng súng thật.
Sau khi dạy chó quen với tiếng súng trong những buổi tập của khóa huấn luyện chung, trong thời gian thả chó bắt giữ người giúp việc, người ta dạy chó quen với những động tác này. Người bắn súng có thể là người huấn luyện viên hoặc cũng có thể là người giúp việc. Dạy chó quen với tiếng súng trong khi tìm dấu vết, khi khám xét hiện trường và trong những trường hợp khác.
Dạy chó không biết sợ súng và tia sáng trong đêm là một mục rất quan trọng. Người ta bắt đầu dạy chó quen với tiếng súng lúc nhá nhem tối, vào lúc bình minh và sau đó chuyển dần sang ban đêm vào những giờ khác nhau. Khi dạy chó quen với máy bay, máy bay lên thẳng, xuống máy, đèn pha… phải chấp hành đúng những nguyên tắc và những quy định như đã nói ở phần trên. Nếu chó thờ ơ (bình tĩnh) khi nghe thấy tiếng súng, tiếng nổ, với đèn pha và với những kích thích khác vào bất kỳ lúc nào trong ngày ở cự ly không xa các nguồn kích thích này, khi đó là lúc chó đã quen với những hiện tượng này.
NHỮNG SAI SÓT CÓ THỂ CÓ Ở NGƯỜI HUẤN LUYỆN
1- Bắn súng (gây tiếng nổ) ở cự ly rất gần làm chó trở nên quá nhút nhát không đúng.
2- Tác động bằng những kích thích cơ học (giật dây dắt, dùng roi đánh trong khi có tiếng nổ chỉ làm cho chó thêm sợ).
8. PHƯƠNG PHÁP HUẤN LUYỆN CHUNG CHO CHÓ ĐÀN
Huấn luyện chung cho chó đàn góp phần củng cố kỷ luật chung của chó, tập cho chó thói quen phân biệt mệnh lệnh và cử đi của người huấn luyện viên với mệnh lệnh của những người khác, dạy chó sóng quen với nhau. Những động tác huấn luyện đàn chó được tiến hành ngay từ những ngày đầu dạy cho chó thói quen với kỷ luật chung. Những động tác huấn luyện đó sẽ nhanh chóng làm cho chó nắm vững nguyên tắc và phương pháp thực hiện những động tác, hòan chỉnh những thói quen thực tế kể cả những phản xạ tự nhiên của chó, củng cố thói quen kỷ luật chung của chó trong những điều kiện phức tạp. Hầu như tất cả những động tác huấn luyện chung có thể tiến hành tập bằng phương pháp cùng cả đàn.
PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH LUYỆN TẬP
Người chỉ huy buổi tập ra lệnh cho những người huấn luyện viên cùng với chó đứng htành một hàng cách nhau 3-4 bước. Nếu trong đàn có chó cái, phải cho chúng đứng xếp hàng xen với chó đực. Còn những chó địch thủ (chó công kích) phải đeo rọ mõm. Người chỉ huy buổi tập ra lệnh cho những người huấn luyện viên làm các động tác đã được quy định cùng với chó. Ví dụ, ra lệnh (hoặc làm hiệu) để chó đứng, ngồi, nằm, bên trái, bên phải. Theo mệnh lệnh những người huấn luyện viên thực hiện những động tác tập theo trình tự đã được quy định. Hoặc người chỉ huy buổi tập có thể ra lệnh: “Đứng cách chó bao nhiêu bước đó - bước”. Khi bước mỗi người huấn luyện viên ra lệnh cho chó “ngồi” (nếu chó đang ở tư thế ngồi) “nằm” (nếu chó nằm), bước ra một khoảng cách đã được quy định và quay mặt lại phía chó. Khi bước đi, người huấn luyện viên quay sang bên trái để quan sát chó. Có thể ra lệnh để gọi chó đến với những người huấn luyện viên theo thứ tự hoặc đồng thời cùng một lúc. Để những người huấn luyện viên về với chú, người chỉ huy buổi tập ra lệnh: “Về với chó - bước”. Theo lệnh, những người huấn luyện viên bước đều trở về chỗ với chó, động viên chó thưởng mồi cho chó và đứng vào chỗ cũ của mình thành hàng.
Nếu chó không thực hiện mệnh lệnh hoặc cử chỉ của người huấn luyện viên một cách kịp thời theo đúng cự ly, người huấn luyện viên phải nhanh chóng tiến đến chỗ chó, nhắc lại mệnh lệnh, dùng những kích thích không điều kiện thích hợp và bắt chó làm những động tác theo yêu cầu. Nếu chó bỏ chỗ, người huấn luyện viên bắt chó phải quay về chỗ cũ sau đó đứng thành hàng. Buổi tập chung cả đàn được tiến hành bằng cách xếp hàng và đi vòng tròn.
Tùy theo thói quen tập chung cả đàn mà cự ly giữa chó với nhau được rút ngắn khoảng cách người huấn luyện viên bước ra cách chó… được tăng lên. Khi tiến hành tập trung cả đàn, người huấn luyện viên phải chú ý theo dõi chó của mình để kịp thời điều khiển chó khi chúng bỏ chỗ và không cho đánh nhau với chó khác.
9. NỘI QUY ĐỐI XỬ VỚI CHÓ KHI ĐỨNG TRONG HÀNG NGŨ
Khi đứng trong hàng với chó nghiệp vụ của mình, người huấn luyện viên cần phải chú ý theo dõi mệnh lệnh của người hướng dẫn, thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của người hướng dẫn. Khi thực hiện các động tác đội ngũ, người huấn luyện viên phải thường xuyên theo dõi động tác của chó và bắt chó phải thực hiện đúng và đầy đủ mọi công việc, kịp thời động viên chó khi chó thực hiện đúng các động tác. Người huấn luyện viên cùng với chó đứng trong hàng. Đứng xếp hàng cùng với chó nghiệp vụ theo mệnh lệnh “tập hợp”. Người huấn luyện viên ra lệnh “đứng bên cạnh” nhanh chóng đứng vào hàng, cầm dây dắt theo tư thế đứng trong hàng (tay trái cầm dây dắt cách vòng đeo cổ một khoảng chừng 15-20cm, còn tay phải cầm đầu dây dắt ra lệnh cho chó “ngồi” và để cho chó ngồi gần chân trái, chân trước của chó nằm trên đường thẳng cùng với mũi giày, mặt nhìn thẳng về phía trước. Thực hiện mệnh lệnh “nhìn thẳng hàng”, “nghiêm”, “nghỉ”
Chỉnh đống hàng ngũ khi người huấn luyện viên đứng trong hàng cùng với chó nghiệp vụ được dồn hàng về phía bên trái theo mệnh lệnh “nhìn bên trái thẳng”.
Khi nghe lệnh, tất cả quay đầu sang bên và dồn hàng đồng thời theo dõi chó của mình, nếu cần phải chỉnh đốn vị trí cho chó, sau đó tiếp tục dồn hàng cho đến khi có lệnh “nghiêm”. Khi có lệnh “nghiêm” tất cả đứng theo tư thế nghiêm tay cầm dây dắt bỏ xuôi tự do và áp sát vào bên đùi. Khi nghe lệnh “nghỉ”, người huấn luyện viên có thể đứng tự do chùng gối chân phải hoặc chân trái nhưng không được rời khỏi vị trí cho phép động viên chó bằng mệnh lệnh “tốt” hoặc thưởng mồi cho chó.
Quay tại chỗ: Quay tại chỗ theo mệnh lệnh “bên phải quay”, “bên trái quay”, “đằng sau quay”. Khi thực hiện các động tác, cần kiểm tra vị trí của chó và động viên chó khi nó làm đúng động tác. Động tác quay bên phải được thực hiện bằng cách đưa chân phải quay đi một phần tư vòng sang bên phải và quay người theo, sau đó đưa chân trái lên. Khi bắt đầu quay, ra lệnh “đứng bên cạnh” và vào lúc đưa chân trái lên thì tay giật dây dắt. Động tác quay bên trái được thực hiện bằng cách đưa chân trái quay đi một phần tư vòng sang trái và đặt chân trái mình ngay trước chân trước của chó. Sau đó ra lệnh cho chó “đứng bên cạnh” và bước chân phải lên. Người huấn luyện viên quay 180 độ cùng với chó, theo vai phải để thực hiện động tác này, cần đưa chân phải về phía sau nửa vòng, dồn toàn bộ trọng lực lên chân phải. Khi quay thì ra lệnh cho chó “đứng bên cạnh” và cho chó ngồi, đồng thời đưa chân trái về.
Quay cùng với chó khi di chuyển: Quay cùng với chó khi di chuyển thực hiện theo khẩu lệnh “Bên phải quay”, “bên trái quay, “đằng sau quay”. Với vòng quay bên trái có thêm khẩu lệnh đồng thời với việc đặt chân phải xuống đất. Theo khẩu lệnh này người huấn luyện bước một bước bằng chân trái ra lệnh cho chó đứng bên cạnh, quay vòng bằng mũi chân trái, đồng thời đưa chân phải về phía trước. Khen chó, và tiếp tục di chuyển theo hướng mới. Với vòng quay bên trái, khẩu lệnh được đưa ra đồng thời với việc đặt chân trái xuống đất. Theo khẩu lệnh này, người huấn luyện bước lên một bước bằng chân phải, ra lệnh cho chó đứng bên cạnh, quay bằng mũi chân phải, đồng thời đưa chân trái về phía trước. Khen chó và tiếp tục di chuyển theo hướng mới. Với động tác quay 180độ, khẩu lệnh đưa ra đồng thời với việc đặt chân trái xuống đất. Theo khẩu lệnh này, sau khi đã bước một bước về phía trước, người huấn luyện quay vòng theo hướng vai phải đồng thời hướng cho chó vòng quay chân trái, chuyển động bắt đầu từ chân phải.

(Tài liệu huấn luyện chó Bộ Công an)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét