Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Các phương pháp nhân giống chó


Có 3 phương pháp: Line-breeding; In-breeding và Out-crossing 
OUT-CROSSING: Là việc lai tạo các con chó cùng giống nhưng khác huyết thống. Nó được xem là cách để tìm ra được những tính trạng tốt trong quá trình nhân giống. Người ta thường dùng phương pháp này để sửa chữa một số khuyết điểm về hình thể của chó. Đây là phương pháp lai tạo phổ biến nhất của đại đa số người nuôi chó. Đối với chó có pedigree, có thể định nghĩa out-crossing là việc lai tạo các con không có cùng quan hệ huyết thống trong vòng 4 đời. 
Do phương pháp này là cho giao phối giữa những con không cùng huyết thống nên có thể đem lại nhiều đặc tính mới hoặc có thể tái hiện lại những đặc tính đã mất do gien lặn mang lại. Khi lai tạo, chó bố và chó mẹ có vai trò ngang nhau trong việc quyết định các đặc điểm của chó con. Trong cặp gien của mình, chó con được thừa hưởng 1 gien từ chó bố và 1 gien từ chó mẹ. Gien trội sẽ quyết định các tính trạng của chó con. Các tính trạng do gien lặn quy định sẽ không được thể hiện. Do các cặp gien bao gồm 1 trội và 1 lặn từ 2 nguồn khác nhau nên chó được tạo ra từ phương pháp này có quỹ gien đa dạng hơn, giúp con vật có khả năng miễn dịch cao hơn, có sức sống mạnh mẽ hơn. 
Các con chó được lai tạo ra từ phương pháp này vẫn đảm bảo tính thuần chủng. Tuy nhiên với phương pháp này, như đã nói ở trên, do nguồn gien đến từ hai con chó không cùng huyết thống với nhau nên mức độ khác biệt về gien rất lớn, do đó, tính đồng nhất của gien sẽ không cao, làm cho người lai tạo chó khó phán đoán về các đặc điểm của chó con được tạo ra sau này. Với phương pháp này, các đặc điểm không mong muốn có thể xuất hiện cùng lúc. Đôi lúc, khi lai tạo, người ta mong muốn khắc phục một số nhược điểm nhưng thực tế, nhược điểm cũng có thể được khắc phục nhưng nhiều lúc chẳng những không được khắc phục mà còn làm xuất hiện thêm nhiều nhược điểm mới. 
LINE-BREEDING: Là việc lai tạo các con chó của cùng 1 giống, có huyết thống gần nhau, có các đặc điểm hình thể cũng như tính khí nổi bật, có ít khả năng di truyền bệnh tật sang các thế hệ sau nhưng vẫn còn mang một số lỗi. Ví dụ về line-breeding là cho phối các con có cùng ông bà với nhau, hoặc cho phối con cháu với ông bà của chúng. Khi line-breeding, cần phải cân nhắc thật kỹ và tiên liệu các đặc điểm mong muốn cũng như các đặc điểm không mong muốn có thể xảy ra. 
Phương pháp line-breeding giúp chọn lọc những gien tốt từ những con chó có họ hàng với nhau. Phương pháp này góp phần tạo ra những gien thuần mà vẫn giữ được tính đa dạng hóa của gien trong 1 khoảng thời gian tương đối dài. Điều này giúp chó con tạo ra được mạnh khỏe hơn, có khả năng kháng nhiều bệnh hơn. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ giúp làm chậm lại chứ không hề ngăn chặn sự sụt giảm tính đa dạng của quỹ gien. Nếu cứ tiếp tục line-breed nhiều lần, đến một mức độ nào đó, tính đa dạng của quỹ gien sẽ giảm. 
IN-BREEDING: Là việc lai tạo các con có huyết thống gần nhau như bố / mẹ với con, chị với em… In-breeding cần phải được thực hiện bởi các nhà lai tạo chó nhiều kinh nghiệm và có mục tiêu rõ ràng ví dụ như để bảo vệ 1 nguồn gien quý hoặc sửa chữa một số lỗi của 1 dòng chó giống. Phương pháp này giúp tạo ra được những con chó có đặc điểm gần với đặc điểm của loài nhất. Các nhà lai tạo thường ghép cặp các con chó có cùng huyết thống và có chung 1 số đặc điểm mong muốn. Cứ tiếp tục như thế, đôi khi chỉ cần sau một hoặc hai thế hệ, các tính trạng ấy trở nên “đồng trội” (từ do hunglvq dịch - homogeneous) và tất cả các con chó con của các con chó sinh ra từ phương pháp in-breeding sẽ thừa hưởng được gien thuần cho các tính trạng ấy. 
Với phương pháp này, người ta có thể tạo ra được những con chó giống có mức độ thuần chủng cao. Với gien thuần, các nhà lai tạo chó sẽ có thể phần nào đoán trước được các con chó con sinh ra sau này sẽ có những đặc điểm như thế nào. Tuy nhiên, phương pháp in-breeding có vài nhược điểm cần phải chú ý. Nếu in-breeding quá nhiều lần, tính đa dạng của gien sẽ bị suy giảm. Do in-breed, con vật được tạo ra thừa hưởng 1 cặp gien giống nhau từ cha mẹ trong hệ miễn dịch, theo đó, nó có 1 hệ miễn dịch kém mạnh mẽ hơn. 
Ví dụ như ở báo Cheetah, do môi trường sống bị cô lập hay vì 1 lý do nào đó, chúng rất hiếm có khả năng giao phối với các con báo khác bầy. Hệ quả là khả năng kháng 1 số bệnh của chúng rất yếu. Ngoài ra, tần suất xuất hiện các đặc điểm xấu như răng hô / móm, đuôi cong (ảnh hưởng đến việc giữ thăng bằng và tốc độ khi vào cua gấp) ở báo Cheetah ngày càng phổ biến cũng bởi vì chúng in-breed quá nhiều lần. Dựa vào hệ quả này, các nhà cung cấp thú vật thí nghiệm (chuột bạch, thỏ,…) có thể tạo ra các con vật hoàn toàn không có khả năng miễn dịch hoặc không có khả năng kháng lại 1 số bệnh nào đó. Tương tự, nếu in-breed trong 1 giới hạn cho phép và có khoa học, người ta có thể tăng / giảm 1 đặc điểm nào đó của thú vật như tăng khả năng cho sữa, tăng tỷ lệ thịt nạc, tăng khả năng tăng trưởng… 
Với phương pháp này, các con chó có gien “đồng lặn” (từ do hunglvq dịch) sẽ rất yếu và theo quy luật đào thải, sẽ chết đi. Vì thế số lượng chó con trong ổ được tiếp tục sống sót thấp hơn các phương pháp khác. Các phương pháp In-breed, line-breed và out-crossing đã được các nhà lai tạo chó nước ngoài thực hiện từ bao đời nay. Tuy nhiên trong điều kiện Việt Nam, với ít tiếp cận về các kỹ thuật của phương Tây nên vẫn còn rất e dè trong việc áp dụng các phương pháp lai tạo trên. Việc e dè ấy cũng có thể là do ảnh hưởng từ quan niệm đạo đức của con người; cũng có thể từ việc chứng kiến các biểu hiện như quái thai, ngu đần, chết non do việc in-breed tạo ra… 
Tuy nhiên, ta đã thấy trong tự nhiên, khi thú sống bầy đàn với những quần thể có số lượng cá thể nhất định, việc out-crossing với các con thú khác bầy rất thấp. Vai trò truyền giống được thực hiện chủ yếu do con đực đầu đàn. Con đực đầu đàn có thể giao phối với tất cả các con cái khác trong bầy, thậm chí giao phối với con cháu, anh em của nó. Các cá thể sinh ra từ quá trình giao phối cận / đồng huyết này sẽ có cả con mạnh và con yếu. Con yếu vì cách này hay cách khác sẽ chết đi. Chỉ các con thực sự khỏe mạnh mới có thể sống sót và tiếp tục truyền giống. Đó là sự chọn lọc rất khắt khe của tự nhiên! 
Một ví dụ rất điển hình là việc nuôi bồ câu. Thông thường, người ta chỉ bắt đầu nuôi với 1 cặp bồ câu, sau một khoảng thời gian nhất định, người ta có được một đàn bồ câu từ hai con đầu tiên. Khả năng out-cross với các đàn bồ câu khác cũng có thể xảy ra nhưng việc in-breed, line-breed trong đàn bồ câu ấy là chủ yếu. Ví dụ thứ hai là giống Chinese Sharpei, trước khi giống chó này bị tuyệt chủng, người ta chỉ tìm được khoảng 10 con còn sót lại. Hay như giống Pekingese (chó Bắc Kinh), một giống chó quý chỉ nuôi trong Tử Cấm Thành, khi quân Anh tấn công vào triều đình Trung Quốc xưa, do không muốn giống chó quý này lọt vào tay người Anh, Từ Hy Thái Hậu cho giết tất cả các con Pekingese nuôi trong cung cấm. Người Anh chỉ có thể cứu được 5 con, cho lên tàu đem về anh Quốc. 
Hay là giống Dobermann được tạo ra từ những con chó ít ỏi nuôi trong nhà của ông Dobermann. Có thể nói những con Pekingese, Chinese Sharpei hay Dobermann mà ta nuôi ngày nay là hậu duệ của những con chó đầu tiên nói trên. Do vậy, in-breed không phải là một cái gì đó tệ hại cần bị lên án. Nó không chỉ là giải pháp cứu cho một giống chó khỏi bị tuyệt chủng mà còn là 1 công cụ để lai tạo ra giống mới, đồng thời là một phép màu của những nhà lai tạo chuyên nghiệp để tạo ra những con chó thuần chủng./.


Bài trên VietPet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét